CÔN ĐẢO HUYỀN THOẠI

CÔN ĐẢO HUYỀN THOẠI

CÔN ĐẢO HUYỀN THOẠI VÀ LINH THIÊNG
Nằm ở vùng biển Đông Nam nước ta, Côn Đảo là một quần thể gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách đất liền chừng 50 hải lý, án ngữ vị trí tiền tiêu của Tổ quốc. Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm bởi vị trí chiến lược, thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á.
Từ thế kỷ XIII, thuyền thám hiểm của người Ý đã đến Côn Đảo, đến thế kỷ XV- XVI  tàu buôn của các nước châu  Âu đã cập bến Côn Đảo; cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII người Anh và người Pháp bắt đầu điều tra, thăm dò với âm mưu xâm lược Côn Đảo. Tháng 11-1861 sau khi thôn tính các tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đặt ách thống trị lên Côn Đảo.
Đối với người Việt Nam, Côn Đảo được biết đến bởi đất lành chim đậu, người Việt ra đây sinh cơ, lập nghiệp hàng bao đời, gắn với những sự tích, truyền thuyết về một vùng đảo hoang sơ nhưng đầy lãng mạn. Chuyện kể rằng có đôi trai gái yêu nhau nhưng không được lấy nhau đã biến thành Hòn Cau, Bãi Đầm Trầu; chuyện về hai anh em sinh đôi cùng bị đày ra Côn Đảo, người em muốn tránh thói trăng hoa của người chị dâu để giữ đạo luân thường đã bỏ nhà ra đi, người anh thương em đi tìm và hai anh em trở thành Hòn Tài - Hòn Trác trong chuỗi các đảo lớn nhỏ. Nghe các sự tích trên tựa như nghe câu chuyện về sự tích Trầu Cau ở đất liền từ thuở nào.
Thời Tây Sơn dẫy binh khởi nghĩa, Chúa Nguyễn Ánh thất trận phải đưa vợ con cùng con vật có tên Hắc Hổ chạy ra Côn Đảo chạy trốn, với ý đồ nhờ Linh mục Bá Đa Lộc tháp tùng con trai làm con tin cầu viện ngoại bang giúp đỡ. Thấy vậy thứ phi Lê Thị Răm (tức Bà Phi Yến) khuyên: " Việc đánh nhau với Tây Sơn ta có thể coi như việc trong nhà, Chúa công nên dùng nghĩa binh trong xứ thì hơn, không nên nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết nội bộ, dù ta có thắng Tây Sơn chăng nữa, cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang, thiếp e còn có lắm điều rắc rối tai tiếng về sau.." và không đồng tình việc dùng Hoàng tử Hội An làm con tin. Chỉ mấy lời khuyên can ấy mà Bà bị Nguyễn Ánh kết tội thông đồng với Tây Sơn rồi bị tống giam hang đá. Hoàng tử Hội An nhất quyết ở lại với mẹ không chịu theo Bá Đa Lộc nên đã bị người cha tàn bạo xách đầu ném xuống biển. Thi hài Hoàng tử được con vật Hắc Hổ kéo lên chôn ở khu rừng gần bãi Đầm Trầu. Dân làng Cỏ ống thấy con vật mà ăn ở có nghĩa như vậy nên đã động lòng đắp cho mộ to hơn rồi lập miếu thờ Hoàng tử Hội An (còn gọi là Hoàng tử Cải). Miếu ấy được mệnh danh là Miếu Cậu. Bà Phi yến sau khi được con Hắc Hổ cạy hang đá cứu thoát đưa về bên mộ con, nghe dân làng kể về việc con trai bị chết, bà rất đau khổ, nhờ dân làng làm ngôi nhà cạnh mộ để ngày ngày chăm sóc đứa con bất hạnh của mình. Thuở ấy, bà Phi Yến đang rất trẻ, nhan sắc lộng lẫy, một hôm dân làng An Hải tổ chức cuộc Đàn chay có rước Bà đến dự, đêm đến một kẻ đồ tể không ngăn nỗi ham sắc đã sàm sở nắm tay Bà. Theo luân lý xưa, chỉ nắm tay thôi cũng coi như bị xâm hại tiết hạnh, Bà đã tự mình chặt đứt cánh tay dơ bẩn đó nhờ người đem chôn ở một nơi riêng biệt. Nhưng vẫn chưa hết tủi nhục trong lòng, đêm đó Bà đã liều mình tự tử để giữ tròn danh tiết. Nơi Đức Bà yên nghỉ dân làng An Hải đã xây dựng An Sơn Miếu hay còn gọi là Miếu Bà để thờ đức Bà Phi Yến.
Đức Bà Phi Yến đã vì việc nghĩa, sáng suốt nhận định được quốc vận. hậu lai, chịu giam cầm, không chịu đồng lõa với những hành động có tội với lịch sử, nhưng khi bị sàm sở thì tuẫn tiết để giữ tiết hạnh với chồng, xứng đáng với bốn chữ Trung Trinh Tiết Hạnh. Hoàng Tử Cải tuy tuổi còn nhỏ nhưng tỏ ra là đứa con chí hiếu thà chịu chết với mẹ hiền chứ không tham sống với người cha thô bạo. Miếu Bà, Miếu Cậu giờ đây đã đã trở thành những địa chỉ tâm linh, được nhân dân Côn Đảo và du khách thăm viếng hương khói quanh năm, như một nghĩa cử của hậu thế đối với người thiên cổ đã quên mình vì việc nghĩa.
Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ thay nhau xâm lược đã biến Côn Đảo thành Địa ngục trần gian. Suốt 113 năm với hơn 200 ngàn lượt tù nhân đã bị giam cầm, tra tấn dã man, trong đó phần lớn là các chí sỹ yêu nước và chiến sỹ cách mạng. Ngay từ khi mới thành lập nhà tù Côn Đảo, nhiều sỹ phu yêu nước trong các phong trào Cần vương, Đông du, Đông kinh nghĩa thục đã bị Thực dân Pháp đày ra đây như các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Nguyễn An Ninh… tiếp theo những năm sau có hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh bị giam cầm. Dưới thời Mỹ - Ngụy số lượng tù nhân bị giam giữ có lúc lên đến 10.000 người trong đó có cả phụ nữ, học sinh, sinh viên nhưng đa số là cán bộ hoạt động cách mạng như các đồng chí Lê Hồng Tư, Trương Mỹ Hoa…Bọn thực dân, Đế quốc biến nhà tù thành địa ngục trần gian để đọa đày thân xác và giết dần giết mòn những người yêu nước; các chiến sỹ cộng sản của chúng ta đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Nhiều đồng chí sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đến ngày giải phóng, hơn 20 ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại với Côn Đảo, máu xương của họ đã hòa vào lòng đất Mẹ, giữa đảo khơi nơi tiền tiêu của Tổ quốc để cho cây trái xanh tươi, cho cuộc sống trên Côn Đảo ngày một thay da đổi thịt.
Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con yêu nước và chiến sỹ cách mạng mà giờ đây chỉ còn hơn 2000 ngôi mộ có tên và chưa biết tên. Trong số đó có ngôi mộ của một người con gái, một nữ tử tù mà tên tuổi gắn liền với những chiến công oanh liệt, ý chí gang thép, hiên ngang, bất khuất trước mọi âm mưu xảo quyệt và sự tra tấn dã man của kẻ thù, trước họng súng địch vẫn hát vang bài ca cách mạng. Sự hy sinh anh dũng của Chị đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, những câu chuyện về cuộc đời và cái chết của Chị đã trở thành huyền thoại và linh thiêng. Đó là nữ Liệt sỹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu.
Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, chiến sỹ trinh sát của Đội công an xung phong Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa- Sài Gòn và bị kết án tử hình. Ngày 21/1/1952, chúng lén lút đưa Chị ra Côn Đảo để thi hành án tử hình, nhằm tránh sự phản kháng của dư luận về việc toà án Thực dân kết án tử hình một thiếu nữ chưa đến tuổi trưởng thành và phong trào xuống đường đấu tranh của thanh niên, sinh viên Sài Gòn. Rạng sáng ngày 23/1/1953, bất chấp sự phản đối và đấu tranh quyết liệt của hàng ngàn tù nhân Côn Đảo, Thực dân pháp đã hèn hạ xử bắn Võ Thị Sáu và đồng chí Hồ Văn Năm, bên cạnh gốc cây Dương già trong nghĩa trang Hàng Dương.
(Mộ Liệt sỹ, Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu)
Mặc dù chỉ ở trong nhà tù Côn Đảo chưa trọn 2 ngày đêm, nhưng tên tuổi của Chị, thái độ, lời nói, hành động của Chị trong thời gian ngắn bị giam ở "Chuồng cọp" cũng như  những giây phút hiên ngang trên pháp trường, đặc biệt là đôi mắt luôn mở to, sáng rực của Chị đã làm cho tên cai ngục, cha cố đạo và bọn lính lê dương khiếp sợ. Những người chứng kiến cuộc hành quyết hôm đó đã phải thốt lên: "Thật là một con người gang thép". Những câu chuyện về chị, về sự hy sinh oanh liệt của chị đã được lan truyền khắp Côn Đảo; anh em tù nhân lấy đó làm tấm gương để học tập noi theo, kẻ thù coi đó là mối hiểm nguy phải tìm cách để loại trừ. Cai ngục cho đập phá tấm bia trên mộ Chị, nhưng lạ thay sáng hôm sau đã có tấm bia khác thay thế, chúng càng ra sức đập phá thì mộ Chị ngày càng to hơn và ngày nào cũng có hương hoa thơm ngát. Không ai nhớ hết đã có bao nhiêu tấm bia dựng trên mộ Chị, thời Mỹ - Ngụy, mỗi lần mở chiến dịch "tố cộng" là bọn cải huấn lại kích động đám tù tay sai đập bia mộ chị Sáu để hạ uy thế những người cộng sản. Nhưng chúng vừa đập xong thì lại có tấm bia khác mọc lên, khi bằng xi măng, khi bằng đất nung, khi lại bằng đá, bằng gỗ, bằng tôn và đặc biệt có cả tấm bia được chạm bằng đá quý đặt từ một cơ sở chuyên tạc bia có tiếng ở Chợ Lớn chuyển ra.
Kẻ thù hèn hạ có thể phá được tấm bia này hay tấm bia khác, nhưng chúng không thể xóa được sự ngưỡng mộ của tù nhân và người dân Côn Đảo với người con gái mà họ đã phong thần. Chúng càng đập phá thì chị càng linh thiêng. Người dân trên Côn Đảo truyền nhau rằng hễ có kẻ nào xâm hại mộ chị thì sớm muộn đều bị trừng phạt, có không ít tên cai ngục và lính gác hung hăng đã bị chết bất đắc kỳ tử, hoặc thân tàn ma dại, một số tên biết sám hối quay lại tu sửa mộ và hương khói cầu nguyện xin tha thứ mới thoát khỏi tai ương. Những câu chuyện về Chị đã trở thành huyền thoại trên Côn Đảo.
(Cổng trại giam Phú Sơn)
Ngày 1/5/1975, Côn Đảo được giải phóng, hàng ngàn người tù hò reo sung sướng, ôm nhau cười trong nước mắt, họ khóc vì được tự do, sắp được đoàn tụ với gia đình, họ khóc còn vì những năm tháng tù đày bị tra tấn, bị đánh đập dã man nhưng không hề biết khóc, họ khóc vì nhớ thương đồng đội, những người bạn chiến đấu đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Khi đại diện của chính quyền Cách mạng ra đón, hỏi: " bây giờ các đồng chí thiếu cái gì nhất", tất cả đồng thanh trả lời cái gì cũng thiếu nhưng thiếu nhất là tấm ảnh Bác Hồ. Chao ôi! hình ảnh Bác, tư tưởng, tấm gương của Bác đã khắc sâu vào trái tim, khối óc của những chiến sỹ trong lao tù, đó chính là động lực, là niềm tin, là lý tưởng mà họ đã sẵn sàng hy sinh và chiến đấu.
(Hình ảnh các chiến sỹ Cộng sản bị giam cầm tại Côn Đảo)
Đất nước thống nhất Côn Đảo trở thành huyện đảo, hệ thống nhà tù trở thành nơi lưu giữ những chứng tích tội ác của Thực dân phong kiến và Đế quốc tay sai đối với nhân dân ta. Côn Đảo trở thành địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Du khách nào đến Côn Đảo cũng đến thăm các di tích, tham quan nhà tù, viếng Nghĩa trang Hàng Dương, dâng hương, dâng hoa cho liệt sỹ Võ Thị Sáu và các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hình ảnh của cô Sáu đã trở nên gần gũi thân thuộc với mọi người dân Côn Đảo, khi làm việc gì người ta đều đến thắp hương cho cô Sáu để cầu xin cô giúp đỡ, khi có việc gì người ta đều nói "Thề có cô Sáu chứng dám" như một lời thề cho sự trung thực, ngay thẳng của mình. Tiếng lành đồn xa, mộ cô Sáu trở thành địa chỉ tâm linh không thể thiếu của mỗi người khi đặt chân lên Côn Đảo. Côn Đảo càng trở nên trở nên huyền thoại và linh thiêng.
(Đoàn Cán bộ Tổng công ty XDCTGT 4 thăm Côn Đảo ngày 9-5-2011)
Phải chăng khát vọng độc lập tự do, yêu chuộng hòa bình, trọng tình trọng nghĩa, lấy chí nhân thay cường bạo của dân tộc ta từ bao đời nay đã kết tinh thành sự tích, truyền thuyết và trở thành huyền thoại. Phải chăng sự xả thân, hy sinh vì chính nghĩa, vì khát vọng lớn lao của dân tộc đã hóa nên thần thánh, linh thiêng. Bà Phi Yến, Hoàng tử Cải ngày xưa, Chị Võ Thị Sáu và các chiến sỹ Cộng sản thời nay đã và đang trở nên linh thiêng, huyền thoại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét